Bài thơ được gợi cảm hứng trực tiếp từ tấm ảnh của Hoàng Cúc gửi cho Hàn Mặc Tử trong ấy “có mây, nước, có cô gái chèo đò với chiếc đò ngang, có mấy khóm tre, có cả ánh trắng hay ánh mặt trời chiếu xuống nước” cùng với mối tình duyên thầm kín mà thi nhân dành cho nàng đã viết nên những vần thơ da diết, nỗi buồn ở những ngày cuối đời cận kề với căn bệnh nan y. Thôn Vĩ Dạ - một thôn nhỏ bên bờ sông Hương thơ mộng, nơi người con gái mang tên loài hoa ấy theo cha về đó sống. Nơi đây là một khu nhà vườn tuyệt đẹp đã từng là nguồn cảm hứng cho biết bao nhà thơ rung cảm để sáng tác.
Hàn Mặc Tử mang trong mình căn bệnh hủi (bệnh phong) đáng sợ, cuộc đời tuổi trẻ của ông phải đối mặt với cơn đau bệnh tật nên trong dự cảm thi sĩ luôn có sự li biệt, xa cách với những người thân yêu. Nên hình ảnh thiên nhiên ở đây cũng nhuốm màu bi thương của tác giả. Gió, mây là cặp hiện tượng tự nhiên vốn được song hành cùng với nhau gió ở đâu mây theo đó, gió thổi thì mây bay nhưng trong mắt của thi nhân thì ngược lại gió, mây mỗi nơi một hướng, ngược chiều nhau. Trên trời thì mây gió li biệt, dưới dòng nước thì buồn thiu có hoa bắp lay nhẹ nhàng hô ứng với tốc độ chảy chậm chạp của nước. Tác giả đã sử dụng biệt pháp nhân hóa khiến cho dòng nước cũng có cảm xúc, cũng biết buồn thiu. Nỗi buồn ấy bắt nguồn từ sự cô đơn, buồn tủi của nhà thơ bởi “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Ánh trăng vốn là nguồn cảm hứng, là người bạn tri âm, tri kỉ, là nơi trú ngụ cuối cùng linh hồn để trốn tránh thực tại của thi nhân. Trong thơ Hàn Mặc Tử ta đã có vô số lần bắt gặp ánh trăng đêm có một loạt các bài thơ viết về trăng như: Uống trăng, Đà Lạt trăng mờ, trăng sáng, trăng và trăng ngọc, một miệng trăng, ngủ với trăng, rượt trăng, say trăng, trăng tự tử…và còn biết bao bài thơ nữa nhà thơ gửi gắm tâm tư tình cảm của mình vào ánh trăng. Ở bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” đó là sự tan chảy của ánh trăng đêm trên bề mặt làm cho dòng nước tắm trong ánh trăng hóa thành dòng sông trăng lung linh, mờ ảo. Trên con sông trăng ấy có con thuyền cô đơn đậu đó. Thuyền đi có chở về cho kịp tối nay không? Câu hỏi tu từ gợi nỗi niềm băn khoăn của thi sĩ, cũng như bao đêm khác nhưng từ “kịp” khiến ta có cảm giác đêm nay thật ngắn ngủi và đó như là một cuộc chạy đua với thời gian cuộc đời. Bến trăng, sông trăng, thuyền trăng chỉ là những hình ảnh mà nhà thơ tưởng tượng ra để thể hiện tâm trạng tiếc nuối cho mối tình dang dở, yêu tha thiết sự sống và vẻ đẹp cuộc đời. Cảnh vật thiên nhiên như ngưng đọng lại, thấm đẫm nỗi buồn đau sâu thẳm của thi nhân. Càng yêu tha thiết thiên nhiên bao nhiêu thì Hàn Mặc Tử càng phải chịu nỗi đau tâm hồn và thể xác bấy nhiêu. Đúng như L.Tolstoi đã từng nói: “Khó khăn hơn cả là yêu cuộc sống với những nỗi đau khổ của mình”.